Lịch sử Bessarabia (tỉnh của Đế quốc Nga)

Bài chi tiết: Bessarabia

Sáp nhập

Khi Đế quốc Nga nhận thấy sự suy yếu của Đế quốc Ottoman, họ đã chiếm nửa phía đông của Thân vương quốc Moldavia tự trị, giữa hai sông PrutDniester. Tiếp theo đó là sáu năm chiến tranh, kết thúc theo Hiệp định Bucharest (1812), theo đó Đế quốc Ottoman thừa nhận việc Nga sáp nhập tỉnh này.[1]

Năm 1829, theo Hiệp định Adrianople, Ottoman nhượng lại lãnh thổ đó cho Nga cùng đồng bằng sông Danube, nơi này cũng trở thành một phần của tỉnh Bessarabia.[2]

Trước khi Nga sáp nhập, lãnh thổ này không có tên cụ thể, Moldavia được chia theo truyền thống thành "Ţara de Sus" (Vùng đất thượng, khu vực miền núi của Karpat) và "Ţara de Jos" (Vùng đất hạ, vùng đồng bằng bao gồm lãnh thổ này). Bessarabia vốn là tên phần phía nam của lãnh thổ này (nay gọi là Budjak); người ta tin rằng khu vực này được đặt tên theo [Nhà Basarab]] của Wallachia, có thể đã cai trị khu vực vào thế kỷ 14. Người Nga sử dụng tên "Bessarabia" cho cả khu vực chứ không phải chỉ phần phía nam.[3]

Bessarabia có diện tích 45.630 km², nhiều hơn phần còn lại của Moldavia và dân số là từ 240.000 đến 360.000 người, hầu hết là người Moldavia nói tiếng Romania. Các boyar của Bessarabia phản đối việc sáp nhập, cho rằng Đế quốc Ottoman không có quyền nhượng lại một lãnh thổ ngay từ đầu đã không phải là của họ (Moldavia chỉ là một chư hầu, không phải là một tỉnh của Ottoman), nhưng điều này không ngăn cản được Sultan ký hiệp ước vào tháng 5 năm 1812.[1]

Thời kỳ tỉnh

Sau khi sáp nhập, các boyar địa phương, do Giám mục đô thành của Chișinău và Hotin là Gavril Bănulescu-Bodoni lãnh đạo, đã kiến ​​nghị về quyền tự trị và thành lập một chính quyền dân sự dựa trên pháp luật truyền thống của Moldavia. Năm 1818, một khu tự trị đặc biệt đã được thành lập, cả tiếng Romania và tiếng Nga đều là ngôn ngữ được sử dụng trong chính quyền địa phương. Bănulescu-Bodoni cũng được phép mở một chủng viện và một nhà in, với nhà thờ Bessarabia là một giáo khu của Giáo hội Chính thống Nga.[3][4]

Sau cái chết của Bănulescu-Bodoni vào năm 1821, Bessarabia thiếu một nhà lãnh đạo mạnh mẽ, và do người Nga lo sợ chủ nghĩa dân tộc từng gây ra Cách mạng Wallachia chống Ottoman năm 1821 ở Wallachia lân cận, chính quyền địa phương bắt đầu rút dần nhiều quyền tự do.[3]

Nikolai I của Nga lên ngôi năm 1825, bắt đầu chiến dịch cải cách với mục tiêu giành quyền kiểm soát nhiều hơn đối với các tỉnh phía tây. Quyền tự trị của khu vực bị rút lại vào năm 1829, với hiến pháp mới được viết bởi thống đốc của Tân Nga và Bessarabia là Mikhail Semyonovich Vorontsov. Năm 1834, tiếng Romania bị cấm trong các trường học và cơ quan chính phủ, và ngay sau đó là cấm với sách, báo chí và nhà thờ mặc dù 80% dân số là người Romania. Những người chống lại những thay đổi có thể bị đày đến Siberia.[5] Hiến pháp không còn bắt buộc sử dụng tiếng Romania cho các thông báo công khai và vào năm 1854, tiếng Nga trở thành ngôn ngữ chính thức. Cũng vào khoảng năm 1850, tiếng Romania không còn được sử dụng trong trường học và việc nhập khẩu sách từ Moldavia và Wallachia bị cấm.[3]

Quá trình hội nhập vào Đế quốc Nga tiếp tục cùng với thi hành zemstva vào năm 1869. Mặc dù hệ thống này nhằm tăng cường sự tham gia của người dân địa phương vào các vấn đề dân sự, nhưng nó được điều hành bởi người Nga và các quan chức không phải người Moldovia khác được đưa đến từ khắp Đế quốc.[6]

Các boyar Moldavia phản đối những cải cách làm suy giảm quyền lực của chính họ, nhưng các kháng nghị của họ không được tổ chức tốt và hầu như bị phớt lờ. Tuy nhiên, một số gia đình boyar Moldavia đã được hòa nhập vào giới quý tộc Nga, nhưng hầu hết các quý tộc của Bessarabia đều là người nước ngoài: vào năm 1911, có 468 gia đình quý tộc ở Bessarabia, trong đó chỉ có 138 là người Moldavia.[7] Vào đầu thế kỷ 20, cư dân Do Thái chiếm tới 40% dân số Kishinev.

Romania giành được độc lập vào năm 1878, nhưng hàng triệu người dân tộc Romania sống bên ngoài biên giới của nước này, và do đó nước này có nguyện vọng đối với Transylvania, cũng như Bessarabia.[8]

Nam Bessarabia trở về Moldavia

Bản đồ biên giới giữa Moldavia/Romania và Nga, 1856-1878

Năm 1856, theo các điều khoản của Hiệp định Paris, Nga buộc phải trả lại một vùng lãnh thổ đáng kể tại Nam Bessarabia cho Moldavia, quốc gia này gia nhập Wallachia vào năm 1859 để hình thành Romania.[9]

Năm 1877, Đế quốc Nga và Romania ký một hiệp ước mà theo đó Romania và Nga là đồng minh chống lại Đế quốc Ottoman, trong khi Nga công nhận nền độc lập của Romania và đảm bảo toàn vẹn lãnh thổ sau chiến tranh.[9] Tuy nhiên, vào cuối Chiến tranh Nga-Thổ (1877–1878), Nga chiếm Nam Bessarabia, Alexander Gorchakov biện minh rằng đây là "vấn đề danh dự quốc gia" đối với Nga và lập luận rằng lãnh thổ này đã được nhượng lại vào năm 1856 cho Moldavia, không phải Romania và rằng sự đảm bảo toàn vẹn lãnh thổ của Nga là nhằm chống lại các yêu sách của Thổ Nhĩ Kỳ.[10]

Các chính trị gia và công chúng Romania vô cùng tức giận trước hành động này: Chính trị gia Romania Mihail Kogălniceanu cáo buộc Nga lừa dối và đối xử với đồng minh như một tỉnh bị chinh phục. Ông thậm chí còn bắt đầu một bị vong lục chống lại Nga để cố gắng gây ảnh hưởng đến các chính phủ phương Tây, không chỉ tố cáo việc sáp nhập Nam Bessarabia mà còn cả việc sáp nhập Bessarabia năm 1812.[10] Mặc dù vậy, không cường quốc châu Âu nào muốn mạo hiểm xung đột với Nga.[11]

Theo Hiệp định Berlin (1878), Romania giành được Dobruja như một sự bù đắp cho việc mất Nam Bessarabia. Mặc dù là một lãnh thổ rộng lớn hơn, nhưng người Romania coi đó là một sự trao đổi không công bằng và chấp nhận nó một cách miễn cưỡng, vì không có giải pháp thay thế nào khác.[12]

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Bessarabia (tỉnh của Đế quốc Nga) http://www.hrono.info/dokum/moldav1818.html http://www.wdl.org/en/item/7314/view/1/31/ http://worldcat.org/oclc/50296800 http://www.historia.ro/exclusiv_web/general/artico... http://demoscope.ru/weekly/ssp/rus_gub_97.php?reg=... https://news.harvard.edu/gazette/story/2009/04/the... https://www.ssoar.info/ssoar/bitstream/handle/docu... https://www.nationalmuseum.md/ro/press_releases/jo... https://archive.org/stream/russiangazetteer00beabi... https://web.archive.org/web/20131224112847/http://...